Thứ trưởng Phạm Đức Long trình bày báo cáo tóm tắt phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025
Hợp nhất tổ chức
Ngày 01/3/2025, Bộ KH&CN chính thức hoạt động theo mô hình tổ chức mới sau hợp nhất hai cơ quan cấp Bộ (TT&TT, KH&CN), đánh dấu bước chuyển có tính lịch sử trong cấu trúc bộ máy quản lý nhà nước.
Hợp nhất không chỉ là sáp nhập tổ chức, mà là quá trình tái cấu trúc toàn diện từ cơ chế điều hành, chức năng nhiệm vụ, đến văn hóa tổ chức và mô hình quản trị. Bộ KH&CN mới được định vị là cơ quan chủ lực dẫn dắt 4 trụ cột then chốt: Khoa học – Công nghệ – Đổi mới sáng tạo – Chuyển đổi số.
Ngay trong Quý I/2025, Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2025/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức; giảm số đơn vị trực thuộc Bộ từ 42 xuống còn 25 (giảm 40,5%); ban hành 49 quyết định nội bộ về chức năng, nhiệm vụ các đơn vị thành phần. Đồng thời, hoàn tất chuyển giao các lĩnh vực không thuộc phạm vi quản lý về đúng Bộ/ngành chuyên trách, gồm: Báo chí, Xuất bản, Thông tin Đối ngoại, An toàn thông tin và Thanh tra. Mô hình tổ chức mới được thiết kế tinh gọn, hiện đại, thích ứng linh hoạt với sự thay đổi mới của đất nước, lấy hiệu quả và phục vụ người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Hoàn thiện thể chế, kiến tạo chính sách
Một trong những điểm nổi bật trong 6 tháng đầu năm là Bộ đã tham mưu trình Bộ Chính trị ban hành 4 Nghị quyết then chốt: Nghị quyết 57-NQ/TW về phát triển đột phá KH, CN, ĐMST&CĐS; Nghị quyết 59-NQ/TW về hội nhập quốc tế; Nghị quyết 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng pháp luật; Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân.
Đặc biệt, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Bộ đã trình và được thông qua đồng thời 5 dự án luật quan trọng: Luật KH,CN&ĐMST; Luật Công nghiệp công nghệ số; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi). Bộ KH&CN trở thành đơn vị có số lượng luật được thông qua nhiều nhất tại kỳ họp, thể hiện năng lực chính sách vượt trội, vai trò “kiến trúc sư thể chế” cho mô hình phát triển quốc gia trong giai đoạn mới.
Toàn cảnh Hội nghị
Thúc đẩy phân cấp, phân quyền hiện thực hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW của Bộ Chính trị
Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, Bộ đã chủ động tham mưu Chính phủ ban hành 2 nghị định quan trọng: Nghị định số 132/2025/NĐ-CP phân định thẩm quyền giữa các cấp chính quyền địa phương; Nghị định số 133/2025/NĐ-CP quy định về phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực KH, CN, ĐMST&CĐS.
Bộ KH&CN đã thực hiện phân quyền, phân cấp 78 nhiệm vụ, phân định thẩm quyền 06 nhiệm vụ từ cấp huyện xuống cấp xã và lên cấp tỉnh.
Bộ cũng đã ban hành 2 thông tư chuyên ngành hướng dẫn triển khai, đồng thời công bố danh mục thủ tục hành chính sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ theo Quyết định số 1442/QĐ-BKHCN.
Mô hình “một cửa – một cửa liên thông” được áp dụng trên diện rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Kết quả nổi bật trong 4 trụ cột chiến lược 6 tháng đầu năm 2025
Khoa học:
– Công bố quốc tế tăng gần 9%, đặc biệt trong các lĩnh vực mũi nhọn: Kỹ thuật, Khoa học máy tính, Toán học, Y học, Khoa học xã hội.
– Cấp 849 giấy chứng nhận kết quả nghiên cứu.
– 42 chương trình KH&CN quốc gia đang được triển khai, kết nối nghiên cứu – sản xuất, ứng dụng thực tiễn.
Công nghệ:
– Cấp 15 giấy chứng nhận chuyển giao công nghệ; 5 giấy chứng nhận gia hạn.
– Hơn 1.000 giấy phép lĩnh vực năng lượng nguyên tử; nhiều ứng dụng bức xạ – đồng vị triển khai trong y tế, nông nghiệp, công nghiệp.
– Số tiêu chuẩn quốc tế được Việt Nam chấp nhận tăng 25%; cấp mã số, mã vạch tăng gần 9%.
– Hơn 40.000 văn bằng bảo hộ được cấp (tăng 58,3% so với cùng kỳ năm 2024).
Đổi mới sáng tạo:
– Việt Nam xếp hạng 44/133 trong GII 2024, tăng 2 bậc so với năm trước, tiếp tục dẫn đầu nhóm các nước thu nhập trung bình.
– Ra mắt Sàn giao dịch công nghệ Việt Nam; cả nước có 24 sàn công nghệ đang hoạt động.
– 940 doanh nghiệp KH&CN, khoảng 4.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; hệ sinh thái mở rộng với 208 quỹ đầu tư, 84 vườn ươm, 40 tổ chức thúc đẩy kinh doanh.
Chuyển đổi số:
– 630 triệu giao dịch trên Nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu quốc gia (đạt 73% kế hoạch năm).
– Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình gần 40%, nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công.
– Hơn 75.000 doanh nghiệp công nghệ số hoạt động ổn định.
– Bưu chính – Viễn thông tăng trưởng mạnh: doanh thu tăng 12,8%, tốc độ mạng dẫn đầu khu vực, IPv6 đạt 65% – vào top 10 thế giới.
– Kinh tế số chiếm 18,72% GDP, tăng 10% so với cùng kỳ; trong đó kinh tế số lõi đạt 8,63%.
Tư duy lớn – Hành động lớn – Dẫn dắt phát triển
Những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2025 là minh chứng cho một mô hình điều hành mới: Khoa học, hiệu quả và mang tính dẫn dắt.
Trong bối cảnh tổ chức bộ máy vừa hợp nhất, công việc nhiều, Bộ vẫn triển khai song song 3 mũi nhọn: Kiện toàn tổ chức, hoàn thiện thể chế và triển khai nhiệm vụ chuyên môn ở 4 lĩnh vực trọng tâm.
6 tháng cuối năm 2025, Bộ KH&CN xác định, đây là thời điểm bản lề, có ý nghĩa quyết định đối với việc hoàn thành thắng lợi Kế hoạch 5 năm 2021-2025. Theo đó, các nhiệm vụ trọng tâm gồm: Trình Chính phủ xây dựng và sửa đổi các dự án luật: Luật Chuyển đổi số, Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi), Luật Công nghệ cao, Luật Chuyển giao công nghệ; Trình Thủ tướng ban hành các nghị định hướng dẫn thi hành 5 luật mới được Quốc hội thông qua; Triển khai Chương trình Quốc gia phát triển công nghệ và công nghiệp chiến lược; Tổ chức thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ KH&CN nhiệm kỳ 2025-2030; Tiếp tục kiện toàn hệ thống cơ sở dữ liệu ngành, thúc đẩy triển khai Đề án Hệ tri thức Việt số hóa giai đoạn mới./.