Trang chủ / Hoạt động - Sự kiện / Cục Viễn thông: Thuê bao mới giảm 35% kể từ khi dừng bán SIM ở đại lý

Cục Viễn thông: Thuê bao mới giảm 35% kể từ khi dừng bán SIM ở đại lý

12:23 chiều 09/11/2023

Đại diện Cục Viễn thông, Bộ TT&TT giải đáp lý do vì sao tình trạng SIM rác vẫn chưa được loại bỏ, và người dân bị làm phiền bởi cuộc gọi rác.

Cục Viễn thông: Thuê bao mới giảm 35% kể từ khi dừng bán SIM ở đại lý - 1
Từ ngày 10/9, các nhà mạng chính thức ngừng phát hành SIM di động tại đại lý (Ảnh: Nguyễn Vy).

Chiều 6/11, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức họp báo tháng 11, với một số nội dung đáng chú ý được nêu ra ở cuộc họp.

Trong đó, nổi bật là những con số thống kê liên quan tới thị trường SIM trong tháng 10, sau thời điểm Bộ TT&TT đưa ra quyết định dừng bán SIM di động tại đại lý, điểm bán ủy quyền.

Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ TT&TT, cho biết hiện nay, các nhà mạng đều đã rà soát, yêu cầu đại lý thực hiện đúng quy định về việc phát triển SIM. Thay vì sử dụng kênh đại lý, các nhà mạng giờ đây sẽ tập trung vào việc phát triển kênh phân phối của doanh nghiệp mình và những kênh chuỗi có uy tín.

“Thuê bao phát triển mới trung bình của tháng 9 đã giảm 35% so với trung bình tháng 8, từ 1,5 triệu thuê bao xuống còn khoảng gần 1 triệu thuê bao/tháng”, ông Nhã thông tin cho biết.

Dẫu vậy theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, vẫn có tình trạng người dân mua được SIM rác tại các đại lý ủy quyền sau ngày 10/9. Bên cạnh đó, người dân vẫn còn bị làm phiền, quấy nhiễu bởi cuộc gọi rác.

Liên quan tới vấn đề này, đại diện Cục Viễn thông cho biết Cục đang tiếp tục phối hợp cùng các nhà mạng rà soát, thanh tra, đánh giá, làm rõ các trường hợp vi phạm để yêu cầu thực hiện nghiêm việc phát triển thuê bao mới.

Cục Viễn thông: Thuê bao mới giảm 35% kể từ khi dừng bán SIM ở đại lý - 2
Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ TT&TT, cho rằng để giải quyết triệt để nạn SIM rác, cần phải thực hiện từng bước các giải pháp, đi kèm với các hành lang pháp lý song hành (Ảnh: Nguyễn Nguyễn).

Lý giải cho việc tình trạng cuộc gọi rác vẫn còn tồn tại, theo ông Nhã, quá trình giải quyết phải được thực hiện từng bước. Bộ TT&TT cùng các doanh nghiệp đã liên tục có các giải pháp tháo gỡ, khi xây dựng các giải pháp đó cũng cần phải có các hành lang pháp lý song hành.

“Để giải quyết triệt để tình trạng cuộc gọi rác, cần liên tục có các giải pháp mới, áp dụng công nghệ, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật”, ông Nhã chia sẻ tại cuộc họp.

“Ngoài ra trong quá trình xây dựng Luật Viễn thông sửa đổi, Cục Viễn thông cũng có đề xuất các chính sách, quy định chặt chẽ hơn, đảm bảo việc giảm thiểu tình trạng các cuộc gọi không mong muốn”.

Ông Nhã cũng cho biết, từ hơn một năm nay, Cục Viễn thông đã thực hiện nhiều giải pháp để ngăn chặn cuộc gọi rác. Trong đó bao gồm yêu cầu người dân chuẩn hóa thông tin thuê bao, yêu cầu nhà mạng phát triển thuê bao có thông tin trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, rà soát thuê bao sở hữu nhiều SIM, xây dựng brandname để định danh cuộc gọi…

Tuy nhiên, cần tách biệt 2 vấn đề này, vì nhiều người trong số chúng ta vẫn mặc nhiên cho rằng SIM rác là cội nguồn của những cuộc gọi “quấy rối”, chào bán, giới thiệu dịch vụ, môi giới… Tuy nhiên trên thực tế, ngay cả SIM “chính chủ” cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng này, khiến việc kiểm soát trở nên khó khăn.

Xuất phát điểm của những “cuộc gọi rác” thực ra là những cuộc gọi chào mời dịch vụ, đến từ nghề marketing, và không chỉ Việt Nam, mà nhiều quốc gia khác cũng đang phải chịu vấn nạn này.

Với hàng loạt giải pháp được Cục Viễn thông đưa ra, mặc dù chưa thể hạn chế 100% tình trạng cuộc gọi “quấy rối”, nhưng sẽ phần nào hạn chế tần suất xuất hiện và những hệ lụy như lừa đảo, đánh cắp thông tin… mà chúng mang lại.

Theo Dân trí