Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu. (Ảnh: Trần Hải)
Kính thưa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính,
Thưa các đồng chí lãnh đạo cơ quan báo chí, các đồng chí phóng viên, nhà báo,
Thưa các đồng chí,
Quan tâm tới báo chí cách mạng chính là sự quan tâm tới sự nghiệp cách mạng. Bởi vì sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Mà báo chí là cầu nối giữa Đảng và quần chúng. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính luôn có sự quan tâm đặc biệt tới báo chí cách mạng. Buổi gặp mặt thân tình hôm nay với lãnh đạo các cơ quan báo chí và nhà báo nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam chính là tình cảm đó của Thủ tướng. Anh em báo chí rất trân trọng tình cảm đặc biệt này của Thủ tướng.
Kính thưa Thủ tướng,
Báo chí cách mạng Việt Nam đã 97 tuổi. Cách mạng là ở chỗ tiên phong, đi đầu. Báo chí đã luôn như vậy và sẽ phải càng như vậy khi đất nước đang muốn tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, của chuyển đổi số để bứt phá vươn lên trở thành một nước phát triển có thu nhập cao.
Sứ mệnh của báo chí là thể hiện trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam. Là khơi dậy khát vọng Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, hùng cường thịnh vượng. Là lan toả năng lượng tích cực. Lấy cái tốt dẹp cái xấu. Những năm gần đây, báo chí đã làm được nhiều hơn theo hướng này. Và sẽ làm nhiều hơn nữa để tạo thành sức mạnh tinh thần cho cả dân tộc bứt phá vươn lên.
Lãnh đạo Đảng và Nhà nước luôn luôn nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của báo chí truyền thông. Nói cho người dân biết, người dân hiểu, người dân theo và người dân làm. Đưa cuộc sống vào chính sách và đưa chính sách vào cuộc sống. Đó là những gì mà làng báo luôn tâm niệm.
Kính thưa Thủ tướng,
Báo chí đã thực hiện xong phần sắp xếp của Qui hoạch. Phần tiếp theo của Qui hoạch là phát triển báo chí. Và đây mới là phần chính của Qui hoạch. Đó là việc xây dựng các cơ quan báo chí lớn mạnh. Vì có lớn mạnh thì mới chuyên nghiệp, mới định hướng, dẫn dắt được dư luận.
Và đặc biệt là Chiến lược chuyển đổi số báo chí mà Thủ tướng sẽ phê duyệt thời gian tới, với định hướng là xây dựng các nền tảng số dùng chung cho báo chí, cũng như chuyển đổi mô hình làm báo, mô hình kinh doanh, phân phối nội dung trên không gian mạng, sự chuyển đổi từ đưa tin ai, làm gì, ở đâu và khi nào thành giải pháp nhiều hơn, phân tích nhiều hơn và sâu hơn, dữ liệu nhiều hơn và xác thực hơn, góc nhìn toàn diện hơn, kể câu chuyện sinh động và thú vị hơn, nhằm tạo ra nhiều hơn giá trị cho độc giả. Và đây là cách để báo chí khác biệt với các mạng xã hội và đề cao các giá trị cốt lõi của báo chí. Dòng tin xác thực của báo chí đổ vào không gian mạng sẽ tạo ra dòng chủ lưu trên không gian mạng.
Báo chí bị ảnh hưởng đầu tiên và mạnh nhất bởi công nghệ số. Bởi vậy, báo chí phải đi đầu trong chuyển đổi số, sử dụng công nghệ số để thay đổi cách làm báo, mô hình kinh doanh báo. Báo chí phải có những tính năng như mạng xã hội. Xây dựng nền tảng để người dân có thể cùng tham gia phát triển nội dung cho báo chí; xây dựng công cụ để người dân có thể tương tác với cơ quan báo chí; là cầu nối giữa người dân và chính phủ để cùng tham gia xây dựng đất nước. Mạng xã hội không chỉ là cạnh tranh mà còn là một phương tiện mới cho báo chí để thu thập tin, bài, để truyền đi nội dung chất lượng của mình rộng rãi hơn, nhanh hơn, và tiếp nhận phản ánh của xã hội.
Vẫn còn đó những tồn tại của báo chí, như cơ quan chủ quản buông lỏng quản lý cơ quan báo chí của mình, xa rời tôn chỉ mục đích, báo hoá tạp chí, cơ quan đại diện tràn lan tại các tỉnh và thiếu quản lý, liên kết có xu thế tư nhân hoá, sách nhiễu doanh nghiệp, v.v…
Năm 2022 sẽ là năm Bộ Thông tin và Truyền thông giải quyết dứt điểm, triệt để tình trạng báo hoá tạp chí, bao gồm cả việc cho chấm dứt hoạt động và không cấp phép lại đối với những tạp chí có nhiều vi phạm, không đem lại giá trị cho xã hội.
Uy tín của phóng viên, của báo chí cũng có lúc đã xuống thấp, nhất là năm 2018. Nhưng báo chí đã chủ động làm sạch báo chí, dám nói về cái xấu của mình, của đồng nghiệp mình. Vì chỉ có mình thì mới làm sạch được chính mình. Quản lý nhà nước cũng đã xử lý nghiêm các phóng viên vi phạm, đã đình bản cả tờ báo nếu vi phạm nghiêm trọng, đã thay đổi qui định để có thể đình bản đến 12 tháng. Đã có công cụ đo lường, giám sát các cơ quan báo chí, đánh giá từng tờ báo, từng phóng viên và cả không gian báo chí. Niềm tin của xã hội vào báo chí đang ngày một tăng lên.
Kính thưa Thủ tướng,
Báo chí cách mạng thì cách mạng phải nuôi. Hiện nay, hàng năm chi thường xuyên cho báo chí, thông qua giao nhiệm vụ và đặt hàng, là dưới 0,5% tổng chi thường xuyên của ngân sách nhà nước. Chi đầu tư cho báo chí cũng thấp, chỉ chiếm khoảng 0,25% tổng chi đầu tư của ngân sách nhà nước. Đặc biệt, một số cơ quan báo chí lớn lại không có hoặc có rất ít hỗ trợ hay đặt hàng từ ngân sách.
Chính phủ đã ký chủ trương tăng đặt hàng báo chí cho giai đoạn 2021-2025. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương và các địa phương coi truyền thông là một chức năng của chính quyền, có bộ máy chuyên trách và có ngân sách hàng năm cho truyền thông để đặt hàng báo chí. Làm được việc này thì mới giữ được báo chí cách mạng phát triển đúng hướng, xứng tầm nhiệm vụ và không trở thành báo chí thị trường.
Kính thưa các đồng chí,
Trọng tâm công tác năm nay của Chính phủ xoay quanh 2 chương trình lớn là kế hoạch tổng thể phòng chống dịch hiệu quả và chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Báo chí phải giữ vai trò quan trọng để thúc đẩy các chương trình này, đặc biệt là phải truyền đi thông điệp: cần tranh thủ cơ hội để mở cửa sớm, phát triển bứt phá, bù đắp lại gần 2 năm đất nước phải hoạt động cầm chừng. Báo chí muốn thúc đẩy phát triền kinh tế thì không thể chỉ đưa tin, phản ánh hay quá tập trung vào những mặt còn tồn tại, mặt tiêu cực. Đấu tranh chống cái sai là rất cần thiết, nhưng có lẽ chưa khó bằng là phải cùng suy nghĩ tìm ra giải pháp cho các vấn đề cuộc sống đặt ra. Suy nghĩ tìm ra lời giải thì bao giờ cũng khó hơn là phán xét. Chúng ta cần một nền báo chí thúc đẩy xã hội cùng suy nghĩ để mang lại giải pháp, chứ không chỉ là một lực lượng báo chí chỉ biết đưa tin và bình phẩm không mang tính xây dựng. Báo chí bình phẩm thì người dân cũng sẽ bình phẩm, báo chí giải pháp thì người dân cũng sẽ tìm giải pháp.
Các cơ quan báo chí Việt Nam hãy mạnh dạn tham gia giải quyết các vấn đề lớn của đất nước, trong đó có câu chuyện phát triển kinh tế, tháo gỡ các rào cản về thể chế để giải phóng sức sáng tạo và tinh thần dám nghĩ dám làm, sức chống chịu dẻo dai, linh hoạt của người Việt Nam.
Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ nghiên cứu, phát động sáng kiến “Báo chí Việt Nam tham gia giải quyết các vấn đề lớn của đất nước”. Chính phủ sẽ giao nhiều nhiệm vụ, nhiều đầu bài cụ thể để Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các cơ quan báo chí suy nghĩ, tìm cách thực hiện. Những người làm truyền thông không phải ai cũng hiểu sâu về kinh tế, nhưng họ có góc nhìn riêng, cách giải quyết vấn đề riêng của họ, bằng việc lắng nghe, phản ánh và phân tích thấu đáo những thông điệp từ thực tế cuộc sống.
Chúc báo chí cách mạng thì thật cách mạng!
Chúc báo chí ứng vạn biến nhưng luôn giữ được cái bất biến là những giá trị cốt lõi của báo chí cách mạng!
Chúc báo chí công nghệ nhiều hơn!
Chúc báo chí sống được bằng nghề và phụng sự nhiều hơn!
Chúc mọi nhà báo tự hào về nghề báo và được xã hội tôn trọng!
Chúc quản lý báo chí giữ được định hướng, pháp trị đi đều chân với đức trị!
Chúc chính quyền các cấp coi truyền thông là việc của mình, là một chức năng của chính quyền, tổ chức bộ phận chuyên trách về truyền thông, bố trí ngân sách hàng năm cho công tác truyền thông để đặt hàng báo chí!
Chúc báo chí chúng ta có nhận thức mới, cách tiếp cận mới và năng lượng mới để góp phần thổi lên khát vọng Việt Nam!
Xin trân trọng cảm ơn các đồng chí!
(Mic.gov.vn)