Cùng với mục tiêu thiết lập 10 triệu tài khoản hoạt động trên các sàn TMĐT Postmart và Vỏ Sò, kế hoạch cũng hướng tới đưa 100% sản phẩm OCOP đáp ứng tiêu chí 3 sao của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương lên các sàn TMĐT; 100% hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT được đào tạo kỹ năng số, kỹ năng kinh doanh trên các sàn.
Trong đó, tài khoản hoạt động trên sàn TMĐT được xác định là tài khoản có 1 trong các hoạt động: Đăng sản phẩm, tìm kiếm sản phẩm, trao đổi thông tin, giao dịch mua/ bán.
Thông qua các sàn TMĐT và nền tảng số cung cấp các thông tin hữu ích cho các hộ sản xuất nông nghiệp như thông tin thị trường nông sản, dự báo nhu cầu và năng lực sản xuất nông sản, thông tin thời tiết, mùa vụ, giống, phân…
Lựa chọn đưa lên sàn TMĐT các sản phẩm, nguyên liệu, vật tư đầu vào, các công cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp thương hiệu uy tín, chất lượng tốt, giá cả phù hợp để giới thiệu, cung cấp cho các hộ sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn tại các địa phương trên cả nước.
6 nhóm nhiệm vụ chính
Kế hoạch cũng xác định rõ 6 nhóm nhiệm vụ sẽ được tập trung triển khai trong năm nay, gồm: Số hóa dữ liệu hộ sản xuất nông nghiệp; tổ chức giao dịch trên sàn TMĐT; xây dựng thói quen hoạt động trên nền tảng sàn TMĐT; tổ chức đào tạo kỹ năng số, kỹ năng kinh doanh trên sàn TMĐT cho hộ sản xuất nông nghiệp; Truyền thông về hoạt động của kế hoạch; cung cấp thông tin phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh cho hộ sản xuất nông nghiệp.
Với mỗi nhóm nhiệm vụ, kế hoạch đều nêu rõ mục tiêu cần đạt, các chỉ tiêu theo dõi, đánh giá kết quả cũng như các nội dung, nhiệm vụ cụ thể. Đơn cử như, với nhóm nhiệm vụ số hóa dữ liệu hộ sản xuất nông nghiệp trên nền tảng sàn TMĐT, mục tiêu trong năm 2022 là thu thập, xây dựng danh sách, chuẩn hóa thông tin hộ sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; số hóa 100% dữ liệu thông tin hộ sản xuất nông nghiệp phục vụ giao dịch, kinh doanh trên sàn TMĐT; đồng thời tổ chức truyền thông thúc đẩy hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT.
Kết quả thực hiện nhóm nhiệm vụ nêu trên được đánh giá theo 2 chỉ tiêu chính và 2 tiêu chí phụ là số lượng thông tin hộ sản xuất nông nghiệp đã thu thập và được số hóa trên sàn TMĐT; tỷ lệ chuyển đổi từ hộ sản xuất nông nghiệp thành nhà cung cấp hoặc người mua hàng trên nền tảng sàn TMĐT; số lượng hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo tập huấn kỹ năng bán hàng trên sàn TMĐT; số lượng sản phẩm nông nghiệp được quảng bá, đăng bán trên sàn TMĐT.
Đối với nhóm nhiệm vụ tổ chức giao dịch trên các sàn TMĐT, mục tiêu trong năm nay là tối thiểu 50% số hộ sản xuất nông nghiệp có tài khoản trên sàn được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng kinh doanh trên nền tảng sàn, bước đầu góp phần thay đổi những thói quen mua sắm, giao thương của người dân khu vực nông thôn. Đồng thời, gia tăng sản lượng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông sản của hộ sản xuất nông nghiệp qua kênh TMĐT.
Bốn chỉ tiêu đánh giá kết quả thực hiện nhóm nhiệm vụ tổ chức giao dịch trên sàn TMĐT gồm: Tỷ lệ hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo, tập huấn kỹ năng bán hàng qua nền tảng số; tỷ lệ chuyển đổi từ hộ sản xuất nông nghiệp thành nhà cung cấp hoặc người mua hàng trên nền tảng sàn TMĐT; số lượng đơn hàng giao dịch nông sản trên sàn và doanh số giao dịch hàng nông sản trên sàn.
Cùng với việc phân công các cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ, Bộ TT&TT cũng yêu cầu các sàn thương mại điện tử ưu tiên nguồn lực phục vụ các hộ sản xuất nông nghiệp tham gia; đào tạo, hướng dẫn các hộ sản xuất, kinh doanh về kỹ năng số và cách thức để sử dụng các thiết bị di động thông minh trong quá trình giao dịch trên sàn thương mại điện tử.
Bộ TT&TT còn nêu rõ định hướng phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các bộ, ban, ngành liên quan, trong đó đặc biệt là Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, các sở, ngành trên địa bàn tỉnh cùng các sàn thương mại điện tử để hướng dẫn, hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, tổ hợp tác, tiểu thương trong khu vực quản lý về các kiến thức cơ bản trong sản xuất và định hướng bán hàng.
Song song đó, hoàn thiện mô hình thương mại điện tử nông thôn – kết nối hộ sản xuất nông nghiệp với người mua hàng, đơn vị vận chuyển qua các sàn thương mại điện tử, tổ chức và triển khai đẩy mạnh kênh tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân; tăng cường quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm đặc sản chiến lược trong nước, mở rộng thị trường tiêu thụ – triển khai thương mại điện tử xuyên biên giới…
Theo thống kê của Tổ công tác 1034, tính đến ngày 25/2, tổng số hộ sản xuất nông nghiệp được tạo tài khoản trên các sàn TMĐT Postmart, Vỏ Sò là 5.255.093 hộ, trong đó số tài khoản mua/bán đã active là 1.125.764 tài khoản.
Cùng với đó, đã đưa 70.755 sản phẩm nông nghiệp đã đưa lên sàn TMĐT; tập huấn kỹ năng số cho 5.740.795 hộ sản xuất nông nghiệp; tổng số giao dịch trên sàn TMĐT đạt 83.346 giao dịch; tổng giá trị giao dịch trên sàn TMĐT năm 2022 là 3,51 tỷ đồng.
Theo Vietnamnet