Kính thưa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính,
Kính thưa các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, các đồng chí thành viên Ban chỉ đạo,
Thưa các đồng chí tham dự phiên họp,
Tôi xin phép phát biểu một số ý sau.
1- Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng một kế hoạch truyền thông rất lớn cho cả giai đoạn 2022-2025, mỗi năm hàng chục ngàn tin bài theo 6 nhóm nội dung, gồm:
Một là cơ chế chính sách;
Hai là các giải pháp chuyển đổi năng lượng, nhấn mạnh ý thức người dân, công nghệ và việc tự lực, tự cường;
Ba là bảo tồn, lưu trữ tài nguyên thiên nhiên;
Bốn là phát triển hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu;
Năm là công bằng, công lý quốc tế và huy động hiệu quả các nguồn lực quốc tế;
Sáu là nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.
Có lẽ rất ít khi, báo chí, truyền thông có một chương trình truyền thông lớn như vậy. Kế hoạch này sẽ được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành vào đầu tháng 8 năm 2022. Việc Nhà nước nắm các cơ quan truyền thông là một lợi thế khi làm các việc lớn như thế này.
2- Sự chuyển đổi năng lượng là một cơ hội rất lớn để phát triển một số công nghệ và ngành công nghiệp mới cho Việt Nam, như công nghệ và công nghiệp điện gió, pin mặt trời.
Một số doanh nghiệp công nghệ số thuộc lĩnh vực Thông tin và Truyền thông, theo chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông, đã nghiên cứu bước đầu và nếu Chính phủ giao nhiệm vụ thì sau 2-3 năm là có sản phẩm thương mại.
Chúng ta sẽ đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng sau khi có thiết bị Việt Nam. Làm được việc này thì một mũi tên trúng 2 đích: Một là, Việt Nam thực hiện được cam kết chuyển đổi năng lượng của mình. Hai là, Việt Nam làm chủ được công nghệ chuyển đổi năng lượng, phát triển được một ngành công nghiệp có thị trường rất to lớn, cả trong và ngoài nước.
Ban chỉ đạo nên có cách tiếp cận coi đây là cơ hội cho Việt Nam phát triển công nghệ và công nghiệp năng lượng mới và có một chiến lược cho việc này. Chính phủ giao nhiệm vụ phát triển công nghệ, công nghiệp cho một số doanh nghiệp lớn, họ cũng đang đợi việc này, họ cũng không yêu cầu gì nhiều, có chăng chỉ là nếu thiết bị tính năng tương đương, giá cả tương đương thì ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Khi chuyển đổi năng lượng thì tạo ra một thị trường mới, mà thị trường, đầu ra là yếu tố quyết định cho một ngành, một công nghệ phát triển. Các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam năng động, thế giới lại mở nên cơ hội làm chủ và phát triển công nghệ phục vụ cho sự chuyển đổi năng lượng là rất khả thi.
3- Chuyển đổi năng lượng thì nên đi kèm với việc sử dụng tiết kiệm, sử dụng thông minh và hiệu quả năng lượng.
Thúc đẩy chuyển đổi số ở các lĩnh vực sản xuất, truyền tải, phân phối và sử dụng năng lượng là thông minh hóa các lĩnh vực này, do vậy sản xuất và tiêu thụ năng lượng sẽ hiệu quả hơn. Chuyển đổi số thì quản lý tốt hơn, thu thập dữ liệu tốt hơn, giám sát tốt hơn, dự báo tốt hơn nên sử dụng các tài nguyên sẽ hiệu quả hơn, sẽ tiết kiệm năng lượng hơn.
Chiến lược phát triển xanh và số phải kết hợp rất khăng khít với nhau, thành một cặp đôi luôn đi với nhau. Thường thì số là giải pháp cho xanh. Muốn xanh thì phải số. Chuyển đổi, thông minh hoá các cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội – môi trường là một giải pháp căn cơ, lâu dài và bền vững, không chỉ cho việc chuyển đổi năng lượng mà còn cho hầu hết các nội dung khác.
Xin trân trọng cảm ơn các đồng chí!
Nguyễn Mạnh Hùng
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông
(Mic.gov.vn)