Sáng 18.7, tại Hà Nội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội thảo về Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam, nhằm hoàn thiện dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Sáu tới.
Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến với điểm cầu tại tỉnh Bình Phước, do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn và Thứ Trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long đồng chủ trì.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn cho biết: tại Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khoá XV đã có 103 lượt ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), trong đó có 92 lượt ý kiến phát biểu tại tổ và 21 ý kiến tại hội trường, 1 ý kiến gửi bằng văn bản. Đa số các ý kiến đều nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Viễn thông hiện hành và tập trung góp ý về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, chính sách của Nhà nước về viễn thông; Quỹ viễn thông công ích; kết nối và chia sẻ hạ tầng hoạt động viễn thông; tài nguyên viễn thông…
Trong khuôn khổ hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về sự cần thiết và hiệu quả của Quỹ viễn thông công ích; phân tích, làm rõ một số tồn tại, hạn chế trong quản lý, sử dụng Quỹ, từ đó đưa ra các đề xuất.
Ông Trần Duy Hiếu, Giám đốc Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: để bảo đảm quyền bình đẳng của mọi người dân ở mọi vùng miền trong việc tiếp cận và sử dụng dịch vụ viễn thông, chính sách của Nhà nước về viễn thông công ích bao gồm: hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông, phổ cập dịch vụ viễn thông tập trung ưu tiên vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn và các khu vực doanh nghiệp viễn thông không có khả năng kinh doanh hiệu quả theo cơ chế thị trường; hỗ trợ thiết bị đầu cuối và dịch vụ viễn thông phổ cập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách xã hội và các đối tượng chính sách đặc biệt khác.
Các doanh nghiệp viễn thông đều phải có nghĩa vụ thực hiện phổ cập dịch vụ viễn thông. Theo thông lệ quốc tế, chính sách phổ cập dịch vụ viễn thông được thực hiện qua Quỹ dịch vụ viễn thông phổ cập. Quỹ do các doanh nghiệp viễn thông đóng góp để thực hiện nghĩa vụ phổ cập dịch vụ viễn thông.
Việt Nam cũng đã thành lập Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích. Đến nay, Quỹ này đã hỗ trợ thiết lập truyền dẫn cáp, kết nối từ đất liền đến trung tâm hành chính của 4 huyện đảo Cát Bà, Cô Tô, Lý Sơn, Phú Quốc trên cơ sở hạ tầng cáp quang của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Đồng thời hỗ trợ: thiết lập đường truyền dẫn vi ba số, truyền dẫn vệ tinh đến 50 đảo, huyện đảo, nhà giàn; thiết lập 327 điểm cung cấp dịch vụ truy nhập Internet công cộng; chi phí hoạt động của 574 điểm cung cấp dịch vụ truy cập Internet công cộng; cước sử dụng cho hơn 152.000 thuê bao là hộ nghèo, hộ cần nghèo; 2,4 triệu phút liên lạc dịch vụ viễn thông di động hàng hải cho tất cả các ngư dân trên biển…
Trên cơ sở đánh giá hoạt động của Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích, các đại biểu dự hội thảo đều cơ bản nhất trí sự cần thiết duy trì Quỹ trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo nhằm bảo đảm dịch vụ viễn thông đối với đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số; đồng thời nêu một số đề xuất nhằm tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu quả của Quỹ.
Ủy viên chuyên trách Hội đồng Dân tộc Tráng A Dương nêu rõ, trong 22 nhiệm vụ của Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích (kinh phí thực hiện từ nguồn thu của Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam và các nguồn kinh phí hợp pháp khác – PV) thì đến nay mới chỉ có 14/22 nhiệm vụ được triển khai, 8 nhiệm vụ chưa thực hiện lại nằm ở địa bàn rất khó khăn. Thực tế đầu tư hạ tầng viễn thông thì những nơi dễ làm, hoạt động có lợi nhuận doanh nghiệp mới đầu tư còn các khu vực khó khăn sẽ khó thu hút doanh nghiệp. Vì vậy, theo đại biểu Tráng A Dương, cần đánh giá lại việc thực hiện Chương trình, đồng thời xem xét mở rộng phạm vi sử dụng Quỹ để tập trung đầu tư cho 8 nhiệm vụ chưa được thực hiện của Chương trình.
Cùng quan điểm trên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước Điểu Huỳnh Sang nêu rõ, để hoàn thành mục tiêu xây dựng hạ tầng viễn thông băng rộng, phục vụ chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn để duy trì, phát triển hạ tầng viễn thông, cung cấp dịch vụ viễn thông phổ cập tại các vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các quỹ ngoài ngân sách nhà nước cũng cho thấy việc quản lý, sử dụng các quỹ này còn nhiều bất cập, hạn chế. Do đó, đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị làm rõ phạm vi, lĩnh vực và đối tượng áp dụng của Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam; bổ sung quy định cụ thể về địa bàn hỗ trợ, đóng góp của doanh nghiệp, mục tiêu, nhiệm vụ phổ cập, trách nhiệm của địa phương…
Ở góc độ khác, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Lê Văn Khảm cho rằng, việc thành lập quỹ để hướng tới cung cấp dịch vụ viễn thông công ích cần có trách nhiệm của Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng. Theo đó, bên cạnh đóng góp của doanh nghiệp, ngân sách nhà nước cần được coi là một nguồn đóng góp cho Quỹ thay vì chỉ ghi là “nếu có” như trong dự thảo Luật. Liên quan đến mức đóng góp của doanh nghiệp, đại biểu Lê Văn Khảm đề nghị quy định cụ thể trong dự thảo Luật, trong đó, có quy định ở mức tối đa và điều tiết theo lộ trình đóng hàng năm; đồng thời, cần có cơ chế điều hành, quản lý, bảo đảm tính minh bạch của Quỹ.
Tại hội thảo, Thứ Trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long đã làm rõ thêm các nội dung được đại biểu đặt ra; khẳng định, ban soạn thảo sẽ nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến góp ý của đại biểu để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi).
Theo Báo Điện tử Đại biểu Nhân dân