Chia sẻ tại tọa đàm “Thương mại hóa 5G xây dựng hạ tầng số cho Việt Nam” do Câu lạc bộ Nhà báo CNTT Việt Nam tổ chức ngày 26/11, đại diện Cục Tần số vô tuyến điện, Bộ TT&TT cho hay, sẽ đấu giá trước băng tần tầm trung cho 5G.
Theo dự kiến tháng 1/2024, phương án tổ chức đấu giá băng tần sẽ được công bố để các doanh nghiệp nắm bắt và tham gia.
Năm 2024 là năm Bộ TT&TT sẽ thương mại hóa 5G trên phạm vi toàn quốc. Tọa đàm này sẽ là cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Mục tiêu của chúng tôi tổ chức buổi tọa đàm này để chúng ta cùng lắng nghe tiếng nói của cơ quan quản lý, các doanh nghiệp viễn thông và các chuyên gia về lộ trình thương mại hóa 5G xây dựng hạ tầng số cho Việt Nam để thúc đẩy quá trình này”.
Từ năm 2020, Việt Nam đã được xem là một trong những quốc gia đầu tiên thí điểm và ứng dụng 5G. Điều này có thể trở thành hiện thực là nhờ vào tầm nhìn của Chính phủ. 4G và 5G sẽ là dòng chủ lưu về công nghệ trong những năm tới đây. Trong đó, tỷ lệ sử dụng 4G sẽ giảm và 5G ngày một tăng dần. Xu thế của các nước trong khu vực là loại bỏ 2G và 3G để nhường dải tần số cho 4G và 5G.
Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã thử nghiệm 5G ở 55 tỉnh, thành phố. Việt Nam muốn thúc đẩy các công ty nghiên cứu, sản xuất thiết bị đầu cuối kết nối 5G; đồng thời sẽ thí điểm 5G ở khu công nghệ cao, các trường đại học, viện nghiên cứu…
5G sẽ là hạ tầng số gần như thay thế cơ sở hạ tầng vật lý trong việc xây dựng nền tảng cũng như kết nối xã hội tương lai. Cơ sở hạ tầng số này tạo ra kết nối không chỉ giữa con người với con người mà còn giữa con người với máy móc, giữa máy móc với máy móc. Đó là những cơ sở tạo ra tự động hóa cũng như việc chuyển đổi giữa các ngành công nghiệp.
Tham gia đóng góp ý kiến cùng các đại biểu dự tọa đàm, ông Đoàn Quang Hoan, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Vô tuyến điện tử Việt Nam cũng nhận định, công nghệ 5G đang là xu hướng tất yếu của thông tin di động thế giới và Việt Nam không thể đứng ngoài xu hướng này. Theo đánh giá của ông Đoàn Quang Hoan, việc chọn thời điểm năm 2024 để Việt Nam thương mại hoá 5G là rất phù hợp, không đi đầu nhưng cũng không quá muộn.
Để thương mại hoá 5G, việc đầu tiên Nhà nước cần làm là cấp phép sử dụng băng tần chính thức cho các doanh nghiệp để thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ. Cấp phép băng tần 5G phải thực hiện bằng hình thức đấu giá tần số.
bà Vũ Thu Hiền – Đại diện Cục Tần số Vô tuyến điện chia sẻ thông tin tại hội thảo |
Về lý do lựa chọn đấu giá trước với băng tần tầm trung, bà Vũ Thu Hiền – Đại diện Cục Tần số Vô tuyến điện cho hay, giai đoạn đầu triển khai 5G, băng tần tầm trung là băng tần quan trọng nhất, sẽ giúp bổ trợ, giảm tắc nghẽn cho 4G. Cũng vì lý do này, Hiệp hội Di động toàn cầu cũng đã thống kê và đánh giá có 71% các mạng 5G trên thế giới đã triển khai ở băng tần tầm trung.
Cũng theo đại diện Cục Tần số vô tuyến điện, sau khi đấu giá xong băng tần tầm trung, Bộ TT&TT sẽ đánh giá nhu cầu của thị trường để thực hiện việc đấu giá tiếp các băng tần khác. Quy hoạch hiện đã xác định các băng tần khác cho 5G, ví dụ như băng tần thấp 700MHZ hay băng tần cao 26GHZ, sẽ là những băng tần trong tương lai Việt Nam được xem xét để cấp phép cho 5G.
Chia sẻ mục tiêu đặt ra trong lần đấu giá tần số cho 5G sắp tới, bà Vũ Thu Hiền nhấn mạnh: Mục tiêu chính là để Việt Nam sớm có được băng tần 5G, cho phép các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ di động băng rộng đến người dân, giúp cho việc phát triển hạ tầng số Việt Nam.
Theo dự báo của các chuyên gia, đến năm 2030, 5G dự kiến đem lại cho các nhà khai thác Việt Nam doanh thu 1,5 tỷ USD. Đến năm 2025, 5G có khả năng đóng góp vào sự tăng trưởng GDP của Việt Nam từ 7,3 đến 7,4% bởi công nghệ này có thể nâng cao năng suất lao động, hiệu suất làm việc của doanh nghiệp. Ngoài ra, 5G còn góp phần phát triển về mặt xã hội và kỹ năng số của người dân Việt Nam, từ đó tạo ra những công việc liên quan tới khoa học, công nghệ, môi trường, sản xuất.
Theo Vnmedia