Ngày 21-9, Đoàn công tác của Bộ Thông tin và Truyền thông đã có buổi khảo sát, đánh giá hiệu quả hỗ trợ máy tính bảng theo chương trình “Sóng và máy tính cho em” trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Tiếp và làm việc với đoàn có bà Trần Thị Huyền, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), đại diện Sở Thông tin và Truyền thông.
Đoàn khảo sát của Bộ Thông tin và Truyền thông làm việc tại Sở GD&ĐT.
Theo báo cáo tại buổi làm việc, thực hiện chương trình “Sóng và máy tính cho em”, Sở GD&ĐT tỉnh Hậu Giang đã cấp phát 9.041 máy tính bảng và thiết bị học trực tuyến khác cho các em học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn vì dịch Covid-19 không có thiết bị học trực tuyến trên địa bàn tỉnh. Trong đó, số máy tính bảng đã nhận hỗ trợ từ chương trình “Sóng và máy tính cho em” là 6.261 máy (toàn bộ máy tính bảng mới). Cụ thể, Bộ GD&ĐT phân phối cho tỉnh Hậu Giang 6.231 máy tính bảng (do Tổng Công ty Dịch vụ Viễn thông VNPT và Tổng Công ty Viễn thông Viettel hỗ trợ); Điện lực Hậu Giang hỗ trợ 20 máy tính bảng; Công ty Sách và Thiết bị giáo dục Cửu Long hỗ trợ 10 máy tính bảng. Từ nguồn vận động mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn tỉnh đóng góp 1 ngày lương và các doanh nghiệp ủng hộ đã thực hiện đấu thầu mua sắm được 2.726 máy tính bảng. Qua tiếp nhận từ các nguồn có khoảng 260/9.041 máy bị lỗi (khởi động nguồn, không kết nối được internet…) đã được nhà phân phối bảo hành theo quy định…
Đoàn công tác Bộ Thông tin và Truyền Thông phát phiếu khảo sát thực tế hiệu quả việc hỗ trợ máy tính bảng tại Trường THPT Long Mỹ, thị xã Long Mỹ.
Trong buổi làm việc, đại diện Đoàn công tác của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đặt ra nhiều câu hỏi về vấn đề sử dụng máy tính bảng của học sinh trong thời gian qua; đối với các máy tính bảng được cấp đã bị lỗi, ngành đã có hỗ trợ như thế nào để khắc phục; số máy tính bảng được ngành đề xuất hỗ trợ sắp tới sẽ hỗ trợ cho đối tượng nào…
Bà Trần Thị Huyền, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, chia sẻ: Qua chương trình “Sóng và máy tính cho em” đã có khoảng 70% học sinh thuộc các diện ưu tiên theo quy định không có thiết bị học trực tuyến đã được nhận được máy tính bảng. Thời gian qua, việc hỗ trợ máy tính bảng đã giúp cho học sinh tham gia học trực tuyến cũng như tìm kiếm tài liệu phục vụ học tập, trao đổi nhóm trong quá trình học tập, nhận thông tin từ giáo viên và nhà trường, tham dự thi online… Ngoài các đối tượng ưu tiên đã được nhận, thì qua rà soát hiện tỉnh còn đối tượng là học sinh lớp 1 đầu cấp năm học 2022-2023 và học sinh khối 1, 2 năm học 2021-2022 phải học qua truyền hình, cùng học sinh ở hệ thường xuyên vẫn chưa được hỗ trợ.
– Chiều cùng ngày, Đoàn công tác của Bộ Thông tin và Truyền thông đã có buổi khảo sát thực tế tại Trường THCS Xà Phiên, Trường THCS Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ và Trường THPT Long Mỹ, thị xã Long Mỹ. Tại các trường, đoàn đã trực tiếp gửi phiếu khảo sát sử dụng máy tính bảng được hỗ trợ từ chương trình “Sóng và máy tính cho em” đến học sinh và giáo viên. Phiếu khảo sát với 38 câu hỏi đánh giá về chất lượng máy tính bảng, hiệu quả hỗ trợ máy tính bảng dành cho giáo viên và học sinh.
Sáng ngày 22-9, Đoàn công tác tiếp tục khảo sát tại Trường THCS Tân Bình, Trường THCS Hòa Mỹ và Trường THPT Cây Dương thuộc huyện Phụng Hiệp. Trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, đoàn dự kiến phát hơn 600 phiếu khảo sát đánh giá. Được biết, chuyến khảo sát lần này nhằm đánh giá lại chất lượng máy tính bảng, hiệu quả hỗ trợ máy tính bảng cho học sinh tại các địa phương trong thời gian qua. Ngoài ra, còn giúp Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá lại công tác dạy và học trên nền tảng số.
(Theo Báo Hậu Giang)