Trang chủ / Hoạt động - Sự kiện / Mạng riêng 5G nên dùng để phục vụ người dân, phát triển kinh tế

Mạng riêng 5G nên dùng để phục vụ người dân, phát triển kinh tế

10:42 sáng 24/10/2022

Các quốc gia đang phát triển tận dụng 5G và mạng riêng 5G để phát triển kinh tế, phục vụ đời sống người dân.

Mạng riêng 5G ứng dụng chủ đạo trong các mảng thiết yếu

Mạng 5G riêng (private network) đang trở thành chủ đề chính trong ứng dụng 5G không chỉ trên toàn cầu mà còn tại Việt Nam. Công nghệ này ưu việt cho khối doanh nghiệp, tổ chức, chính phủ, song chuyên gia nhận định mạng này cần ứng dụng mỗi nơi mỗi khác, và quan trọng nhất là mang lại lợi ích cho người dân, khách hàng.

Nói với VietNamNet, ông Hoàng Ngọc Thức, Giám đốc công nghệ của Nokia Việt Nam, cho hay công ty này đã ký ghi nhớ với VNPT để triển khai mạng riêng trên hạ tầng 4G, 5G, nhằm phục vụ nhu cầu trong nước.

Mạng 4G, 5G riêng là mạng được xây dựng phục vụ cho một khu vực nhất định, dành cho một nhà máy, trường học, cầu cảng, hầm mỏ,… nhằm bảo đảm tốc độ cao, ổn định, hiệu quả, tin cậy hơn so với mạng dùng chung.

Không chỉ tại Việt Nam, xu hướng trên toàn cầu đang xem mạng riêng như một ứng dụng chính của 5G, nhắm vào khối khách hàng doanh nghiệp, các tổ chức và chính phủ.

Trong sự kiện Keysight World: Innovate hôm 18/10, các chuyên gia toàn cầu nhận định mạng 5G riêng đang trở thành xu hướng, tuy nhiên việc áp dụng cần được chuyên biệt hoá.

Ông Pablo Tomasi, nhà phân tích chính tại Omdia Informa (Anh), cho rằng quy mô thị trường mạng 5G riêng có thể đạt 6,5 tỷ USD vào năm 2026. Trong đó, những lĩnh vực ứng dụng chủ đạo bao gồm: giao thông và logistics, năng lượng và dịch vụ công, sản xuất. Một số mảng khác như chăm sóc sức khoẻ và bán lẻ góp phần nhỏ hơn.

Dù có thị trường lớn song mạng riêng 5G vẫn phải chuyên biệt, tuỳ nhu cầu từng khách hàng và địa phương. Chẳng hạn, cùng yêu cầu về một mạng di động riêng nhưng phía sản xuất mong muốn có kết nối không dây xuyên suốt trong nhà máy, còn hầm mỏ lại mong kết nối ổn định với các xe tự hành trong lòng đất.

Tại Việt Nam cũng tương tự, ông Thức cho rằng mạng riêng có thể ứng dụng vào cầu cảng, hầm mỏ, giao thông, thành phố thông minh,… song mỗi nơi mỗi yêu cầu khác nhau. Do vậy, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhiều bên để cung cấp giải pháp tốt nhất cho khách hàng.

Ứng dụng mạng riêng 5G vào phát triển kinh tế xã hội

Dù chứng tỏ sự ưu việt, song việc triển khai mạng riêng vẫn đang ở giai đoạn đầu. Mỗi quốc gia và ngành nghề đang có mức độ ứng dụng khác nhau.

Tại châu Âu, ông Wolfgang Templ, Trưởng nhóm nghiên cứu 5G, 6G tại Nokia-Bell Labs, cho hay nhu cầu về mạng riêng khu vực này đang tăng lên. Rất nhiều tổ chức và doanh nghiệp đang thử nghiệm và ứng dụng trên thực tế ở các lĩnh vực như giao thông, hầm mỏ, ô tô. Trong đó, mảng lĩnh vực công của các chính phủ cũng đang quan sát để chuẩn bị tham gia vào.

Nói với VietNamNet trước đó, ông Thức cho hay Nokia đã triển khai mạng riêng 5G cho 485 khách hàng trên toàn cầu.

Mạng 5G riêng cũng được triển khai tại Mỹ, Nhật, Trung Quốc và các nước phát triển khác. Tại một số nước như Ấn Độ, Brazil dù có chậm hơn song các quốc gia này cũng đã nhảy vào, cấp phép tần số cho mạng riêng 5G.

Bà Pamela Kumar, Tổng giám đốc Hiệp hội phát triển tiêu chuẩn viễn thông Ấn Độ (TSDSI), thừa nhận nước này đi chậm hơn các nước phát triển khác trong việc triển khai và ứng dụng 5G. Tuy vậy, cách Ấn Độ nhìn nhận về ứng dụng trong 5G sẽ khác với các nước đi trước.

“70% dân số chúng tôi ở nông thôn, các làng cách xa nhau 10-20km, do đó cách thức ứng dụng 5G phải khác với châu Âu, Mỹ, Trung Quốc”, bà Pamela nói.

Để phủ rộng mạng di động trên toàn quốc, Ấn Độ đang nghiên cứu để tối ưu các trạm BTS giữa các làng mạc hẻo lánh. Với cách thức triển khai này, có thể sẽ phải hy sinh một phần tốc độ cao để đưa sóng đi xa hơn. Song song đó, quốc gia này đang đàm phán với ITU (Liên minh Viễn thông quốc tế) để có tiêu chuẩn 5G riêng phục vụ nhu cầu đặc thù này.

Thừa nhận tính ứng dụng của mạng riêng 5G, song cách thức triển khai ở đất nước đông dân thứ hai thế giới sẽ phải phục vụ được số đông. Các ứng dụng của công nghệ này vào giao thông, y tế, sức khoẻ, giáo dục đều phải trên quy mô lớn và tiết kiệm, dù tốc độ truyền tải sẽ không được cao như những quốc gia khác.

“Kể từ 2G, 3G, 4G, hay đến nay là 5G, sắp tới là 6G, chúng tôi đều ứng dụng theo hướng phục đời sống xã hội và phát triển kinh tế”, đại diện Ấn Độ nêu ý kiến. Trong đó, công nghệ sẽ được dùng làm nền tảng để thúc đẩy kinh tế xã hội.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Jagadeesh Dantuluri, Tổng giám đốc phụ trách mảng mạng riêng của Keysight​ Technologies, cho rằng công nghệ 5G đều giống nhau, song cách triển khai nên được tối ưu hoá cho từng khu vực.

Ngoài ra, việc hợp tác giữa các bên trong triển khai 5G và mạng riêng là cực kỳ quan trọng. Trong đó, vai trò của chính phủ trong việc cấp phép băng tần mạng riêng đóng vai trò chủ đạo, sau đó dẫn dắt toàn hệ sinh thái phát triển theo.

Theo Ictnews.vietnamnet.vn