Hiện vẫn cần đầu tư từ Quỹ Viễn thông công ích cho hơn 4.600 km đường bộ thuộc khu vực biên giới để thiết lập trạm phát sóng di động mặt đất nhằm bảo đảm quốc phòng – an ninh.
Vẫn cần Quỹ công ích để phổ cập dịch vụ đến người dân
Theo thông lệ quốc tế tại 91 nước, chính sách phổ cập dịch vụ viễn thông được thực hiện thông qua Quỹ dịch vụ phổ cập. Quỹ này do các doanh nghiệp đóng góp để thực hiện nghĩa vụ phổ cập dịch vụ viễn thông.
Tùy theo chính sách phát triển của mỗi nước, các Quỹ dịch vụ phổ cập được sử dụng để hỗ trợ phát triển hạ tầng viễn thông ở những khu vực không được phục vụ, dưới mức phục vụ hoặc khu vực chi phí đầu tư cao.
Quỹ được sử dụng để hỗ trợ cước kết nối, cước sử dụng dịch vụ truy nhập Internet, dịch vụ điện thoại cố định, dịch vụ điện thoại di động cho các đối tượng như trường học, bệnh viện, người có thu nhập thấp; hỗ trợ miễn phí cước liên lạc viễn thông khẩn cấp…
Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Duy Hiếu, Giám đốc Quỹ Viễn thông công ích (Bộ TT&TT) cho biết, tại Việt Nam việc cung cấp dịch vụ viễn thông công ích là chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực viễn thông, nhằm đảm bảo quyền bình đẳng của mọi người dân ở mọi vùng miền trong việc tiếp cận và sử dụng dịch vụ viễn thông.
Theo ông Hiếu, người dân ở khu vực miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn (những khu vực mà doanh nghiệp viễn thông không đầu tư vì chi phí đầu tư lớn và doanh thu không đủ bù đắp chi phí, không có khả năng kinh doanh hiệu quả theo cơ chế thị trường) được tiếp cận và sử dụng dịch vụ viễn thông phổ cập.
Thông qua đó rút ngắn khoảng cách số giữa các vùng miền, các đối tượng để đảm bảo an toàn, an ninh quốc phòng, hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội.
Thời gian qua, chính sách của Nhà nước về viễn thông công ích đã hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông, phổ cập dịch vụ viễn thông tập trung ưu tiên vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn và các khu vực mà doanh nghiệp viễn thông không có khả năng kinh doanh hiệu quả theo cơ chế thị trường.
Bên cạnh đó, Quỹ cũng đã hỗ trợ thiết bị đầu cuối và dịch vụ viễn thông phổ cập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách xã hội và các đối tượng chính sách đặc biệt khác.
Chia sẻ về vai trò của Quỹ Viễn thông công ích, ông Hiếu nhấn mạnh đây là hoạt động để tách biệt rõ ràng và minh bạch giữa hoạt động kinh doanh với trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ phổ cập dịch vụ của các doanh nghiệp viễn thông. Các doanh nghiệp viễn thông khi được cấp phép hoạt động và kinh doanh đều phải có nghĩa vụ thực hiện phổ cập dịch vụ này.
Xóa vùng trắng dịch vụ bằng viễn thông công ích
Ông Trần Duy Hiếu cho biết, việc cung cấp dịch vụ viễn thông công ích được thực hiện từng giai đoạn theo các chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tính đến thời điểm này, Quỹ đã cung cấp dịch vụ viễn thông công ích gồm dịch vụ điện thoại và dịch vụ Internet cho khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng điều kiện kinh tế xã hội khó khăn là 203 huyện, 904 xã (ngoài 203 huyện trên) và 41 đảo.
Vùng phổ cập của Quỹ đã cung cấp dịch vụ đến 4.344 xã, chiếm 39% đơn vị hành chính cấp xã với dân số trong vùng công ích khoảng 21 triệu người, chiếm 24% dân số cả nước. Mật độ điện thoại cố định tại các vùng được cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đạt 16 máy/100 dân, vượt xa so với mục tiêu đề ra là 5 máy/100 dân và đưa 113.025 thuê bao Internet cá nhân, hộ gia đình. Quỹ đã đáp ứng nhu cầu sử dụng thực tế của mọi người dân trong việc truy nhập, sử dụng miễn phí các dịch vụ viễn thông bắt buộc.
Bên cạnh đó, Quỹ Viễn thông công ích đã hỗ trợ 4.957 máy thu phát sóng vô tuyến HF cho tàu cá và hỗ trợ duy trì đài thông tin viễn thông duyên hải để thông tin liên lạc cho máy thu phát sóng vô tuyến điện HF công nghệ thoại sử dụng cho tàu cá. Quỹ cũng đã hỗ trợ duy trì 16 đài thông tin cấp cứu và tìm kiếm cứu nạn trên biển.
Những năm qua, Quỹ Viễn thông công ích đã hỗ trợ cho vay ưu đãi với 27 dự án cơ sở hạ tầng viễn thông với kinh phí là: 125.804,23 triệu đồng. Hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông băng rộng ưu tiên vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng biên giới, hải đảo, bảo đảm kết nối truyền dẫn băng rộng từ đất liền tới trung tâm hành chính của các huyện đảo.
Cụ thể, Quỹ đã hỗ trợ thiết lập truyền dẫn cáp quang kết nối từ đất liền đến trung tâm hành chính của 4 huyện đảo Cát Hải, Cô Tô, Lý Sơn, Phú Quốc trên cơ sở hạ tầng cáp quang của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và hỗ trợ thiết lập đường truyền dẫn vi ba số, truyền dẫn vệ tinh đến 50 đảo, huyện đảo, nhà giàn.
Ông Trần Duy Hiếu cho biết, giai đoạn 2021-2025, Quỹ sẽ thực hiện cung cấp dịch vụ viễn thông công ích theo chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025 với tổng kinh phí thực hiện dự kiến là 11.601 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí hỗ trợ cung cấp dịch vụ viễn thông phổ cập dự kiến là 11.098 tỷ đồng và kinh phí hỗ trợ cung cấp dịch vụ viễn thông bắt buộc dự kiến là 503 tỷ đồng. Như vậy, kinh phí hỗ trợ cung cấp dịch vụ viễn thông phổ cập chiếm khoảng 95,7% tổng kinh phí thực hiện.
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định, chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số.
Mặc dù tại các vùng sâu, vùng xa, vùng điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn cơ bản đã hoàn thành phủ sóng 2G, 3G nhưng vẫn cần tiếp tục triển khai hạ tầng truyền dẫn cáp quang băng rộng, phủ sóng 4G, 5G để hoàn thành mục tiêu phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng thành hạ tầng của nền kinh tế – xã hội phục vụ mục tiêu chuyển đổi số, thúc đẩy sự phát triển kinh tế số, xã hội số, đặc biệt tại những khu vực doanh nghiệp không muốn đầu tư do không đủ bù đắp chi phí.
Theo đó, sẽ có hơn 4.600 km đường bộ thuộc khu vực biên giới cần được hỗ trợ thiết lập trạm phát sóng di động mặt đất để bảo đảm quốc phòng – an ninh và có 6.786 thôn chưa có mạng truy nhập băng rộng cố định mặt đất, trong đó có 4.687 thôn thuộc các xã có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, xã đảo.
Hiện còn 2.418 thôn chưa có trạm phát sóng di động mặt đất, trong đó có 1.481 thôn thuộc địa bàn xã điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, xã đảo.
Để phục vụ cho mục tiêu này, Quỹ Viễn thông công ích sẽ hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ viễn thông bắt buộc tối thiểu 63 triệu phút và hỗ trợ sử dụng dịch vụ truy nhập Internet băng rộng cố định mặt đất cho trường học, trạm y tế cấp xã: 62 ngàn trường học, trạm y tế.
Bên cạnh đó sẽ hỗ trợ sử dụng dịch vụ thông tin di động mặt đất cho các thuê bao là hộ nghèo, hộ cận nghèo: khoảng 1,9 triệu đối tượng và hỗ trợ thiết bị đầu cuối như máy tính bảng, điện thoại thông minh cho các hộ nghèo/hộ cận nghèo, gia đình chính sách xã hội, đối tượng chính sách đặc biệt khác để có thể sử dụng dịch vụ viễn thông.
Theo Vietnamnet