“Hiện còn khoảng 8.000 thôn bản chưa có cáp quang. 4G chưa đến được vùng sâu, vùng xa nhiều, sắp tới còn 5G và 6G. Do vậy, nhu cầu sử dụng quỹ này trong thời gian sắp tới là rất lớn”, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Sáng 24/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Viễn thông (sửa đổi). Trước khi đại biểu thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCN&MT) Lê Quang Huy trình bày báo cáo những vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý trong dự thảo Luật.
Quỹ viễn thông góp phần quan trọng phổ cập dịch vụ viễn thông
Về quỹ dịch vụ viễn thông công ích, Ủy ban KHCN&MT cho biết, có 2 loại ý kiến về vấn đề này. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị không quy định quỹ trong luật. Loại ý kiến thứ hai đề nghị tiếp tục duy trì quỹ nhưng cần hoàn thiện quy định cho phù hợp, hoạt động hiệu quả hơn.
Về vấn đề trên, Thường trực Ủy ban KHCN&MT thống nhất với loại ý kiến thứ hai vì lĩnh vực viễn thông có tính đặc thù, số doanh nghiệp tham gia không nhiều do hạn chế về tài nguyên viễn thông. Doanh nghiệp viễn thông thường chọn các địa bàn kinh doanh có lợi nhuận mà không triển khai tại các vùng sâu, vùng xa vì chi phí đầu tư lớn, doanh thu không đủ bù đắp chi phí.
Nêu ý kiến tại cuộc họp, ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội đánh giá cao quá trình chuẩn bị dự thảo Luật của cơ quan soạn thảo và thống nhất với báo cáo tiếp thu, giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm của Ủy ban KHCN&MT.
Đi vào vấn đề cụ thể, ông Lê Quang Mạnh cho rằng, việc Bộ TT&TT làm cơ quan chủ trì quỹ dịch vụ viễn thông công ích là cần thiết. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo luật cần làm rõ thêm lý do tại sao thời gian qua việc thực hiện quỹ chưa được như mong muốn. “Cơ quan soạn thảo luật cần phải làm rõ vướng mắc ở đây là gì để chúng ta đưa ra hành lang pháp lý cho quỹ hoạt động”, ông Mạnh nói.
Nêu ý kiến thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhất trí cao với báo cáo giải trình của Ủy ban KHCN&MT. Về quỹ dịch vụ viễn thông công ích, bà Nga cho biết, Ủy ban Tư pháp đồng ý với phương án 2, đó là tiếp tục duy trì quỹ nhưng cần hoàn thiện quy định cho phù hợp, hoạt động hiệu quả hơn.
Làm rõ thêm vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, quỹ viễn thông công ích là trách nhiệm phủ sóng rộng của nhà mạng như là một điều kiện cấp phép. Theo đó, bất kỳ một giấy phép viễn thông nào được Nhà nước cấp đều yêu cầu phủ sóng rộng, vì sử dụng tài nguyên hữu hạn.
“Nếu chúng ta không yêu cầu nhà mạng phủ sóng rộng thì Nhà nước phải đứng ra phủ sóng rộng và chi phí của Nhà nước rất cao”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, cách làm của chúng ta là các nhà mạng đóng tiền vào quỹ này, sau đó Nhà nước giao tiền cho các nhà mạng đi phủ sóng vùng sâu, vùng xa.
Theo người đứng đầu Bộ TT&TT, thời gian vừa qua, quỹ đã góp phần quan trọng phổ cập dịch vụ viễn thông tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc vận hành của quỹ còn nhiều tồn tại.
“Tồn tại chủ yếu là do cơ chế quản lý của quỹ này, như là tiền của Nhà nước cho nên rất khó chi. Vừa qua chủ yếu là chi hỗ trợ người nghèo, còn chi để phát triển hạ tầng vùng sâu, vùng xa chưa được nhiều”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Do vậy, Bộ trưởng Bộ TT&TT cho biết, việc sửa luật lần này, Chính phủ quy định hoạt động của quỹ theo hướng đây là tiền ngoài ngân sách. Từ đó sẽ tháo gỡ việc chi để xây dựng hạ tầng mạng lưới phủ sóng vùng sâu, vùng xa.
“Hiện nay, còn khoảng 8.000 thôn bản chưa có cáp quang. Chúng ta phủ sóng 2G đã tốt rồi, nhưng 4G chưa đến được vùng sâu, vùng xa nhiều, sắp tới còn 5G và 6G. Do vậy, nhu cầu sử dụng quỹ này trong thời gian sắp tới là rất lớn”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói thêm.
Đấu giá kho số đẹp
Về đấu giá quyền sử dụng kho số viễn thông, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Lê Quang Huy cho biết, một số ý kiến đề nghị chỉ quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc về đấu giá quyền sử dụng kho số viễn thông, tên miền Internet; còn các quy định khác về trình tự, thủ tục đấu giá thì dẫn chiếu theo Luật Đấu giá tài sản.
Có ý kiến đề nghị bổ sung về cơ chế đền bù cho doanh nghiệp khi thực hiện mua sắm, sử dụng tài nguyên trong trường hợp thu hồi kho số viễn thông, tài nguyên Internet để phục vụ lợi ích công cộng.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, hiện nay, về mặt pháp lý, đã có quy định đấu giá quyền sử dụng kho số viễn thông và tên miền Internet. Tuy nhiên, trong thực tiễn là chưa thực hiện được vì không xác định được giá khởi điểm.
Do vậy, theo ông Hoàng Thanh Tùng, cách tiếp cận như hiện nay của Luật Viễn thông sửa đổi để xử lý những vấn đề về kho số viễn thông, tên miền Internet là cơ bản phù hợp với Luật Đấu giá tài sản và các luật chuyên ngành.
Giải trình thêm về nội dung này, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện trong kho số có hàng trăm nghìn số điện thoại đẹp, thậm chí đến hàng triệu.
Theo Bộ trưởng, quy định trước đây phải định giá từng số. Khi định giá phải thuê tư vấn nên chi phí để thẩm định giá số đẹp có thể lên đến hàng trăm triệu, nhưng khi bán đi chỉ có chục triệu, nên quy định trước đây không khả thi. Vì vậy, dự thảo lần này sửa đổi, quyết định một mức giá khởi điểm cố định cho tất cả số đẹp.
Giải thích thêm về lý do quyết định một mức giá khởi điểm cố định cho tất cả số đẹp, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, hiện nay một số đẹp đưa ra có hàng triệu người quan tâm, tức là tính thị trường rất cao.
“Khi hàng triệu người quan tâm thì họ sẽ định ra giá đó. Bên cạnh đó, nếu 3 người mua có thể đồng thuận giảm giá xuống nhưng hàng triệu người sẽ rất khó. Như vậy, thị trường sẽ quyết định. Nếu thông qua được dự luật lần này theo nghĩa có giá khởi điểm cho tất cả số đẹp thì việc đấu giá sẽ khả thi”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu.
Ông Lê Quang Huy cho biết, nguyên nhân chưa đấu giá được quyền sử dụng kho số viễn thông và tên miền Internet là do chưa xác định giá khởi điểm.
“Sau khi tiếp thu ý kiến của các đại biểu, chúng tôi đang nghiên cứu theo hướng tính xác định giá khởi điểm phù hợp với thu nhập của người dân. Trên cơ sở đó, sẽ có giá khởi điểm quy định trong luật. Rất hy vọng sẽ triển khai được đấu giá, không chỉ viễn thông mà còn các vấn đề liên quan đến tài nguyên Internet”, ông Huy nói.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải giao Ủy ban KHCN&MT phối hợp với cơ quan soạn thảo hoàn thiện dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) theo quy định để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6 vào cuối năm 2023.
Theo Vietnamnet