21:53 Thứ Năm, 10/06/2021
Trang chủ / Hoạt động - Sự kiện / Trang bị kỹ năng nhận diện thông tin xấu, độc trên mạng cho cán bộ cấp xã

Trang bị kỹ năng nhận diện thông tin xấu, độc trên mạng cho cán bộ cấp xã

10:40 sáng 29/09/2023

Kỹ năng nhận diện thông tin xấu, độc trên không gian mạng là 1 trong 16 chuyên đề của chương trình bồi dưỡng về chuyển đổi số và an toàn thông tin mạng cho cán bộ, công chức các xã, vừa được Bộ TT&TT phê duyệt.

Bộ TT&TT vừa có quyết định phê duyệt Chương trình bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng số và an toàn thông tin cho cán bộ, công chức các xã thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025.

Chương trình hướng tới nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng số và an toàn thông tin cho cán bộ, công chức tại các xã thuộc phạm vi của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cơ sở đủ năng lực để triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đến năm 2025.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 của Chương trình là đảm bảo tỷ lệ cán bộ, công chức tại các xã thuộc phạm vi của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng số và an toàn thông tin đạt tối thiểu 80% với các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hải đảo; 100% đối với các xã còn lại.

Trong Chương trình mới phê duyệt, Bộ TT&TT cũng xác định rõ các đối tượng bồi dưỡng, tập huấn cụ thể của Chương trình, bao gồm: Thành viên Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới các xã, Ban quản lý xây dựng nông thôn mới và Ban giám sát cộng đồng; cán bộ, công chức các xã; cán bộ Đảng, đoàn thể các xã; cán bộ được cấp trên tăng cường về các xã; cán bộ nguồn trong diện quy hoạch của các xã; người hoạt động không chuyên trách ở các xã, ở thôn, tổ dân phố.

Ngoài ra, các cá nhân, tổ chức khác có nhu cầu như cán bộ hợp tác xã; tổ trưởng các tổ hợp tác; hộ kinh doanh, chủ trang trại, nông dân; cán bộ của thôn (bí thư chi bộ thôn, trưởng thôn)… cũng có thể tham gia các chương trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng số và an toàn thông tin cho cán bộ, công chức các xã thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025.

Nội dung bồi dưỡng sẽ tập trung vào 16 chuyên đề theo 2 nhóm: Các nội dung cơ bản về kiến thức, kỹ năng trong triển khai chuyển đổi số; những nội dung cơ bản về kiến thức, kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin mạng.

Trong đó, các nội dung cơ bản về kiến thức, kỹ năng trong triển khai chuyển đổi số gồm 9 chuyên đề: Kiến thức về chuyển đổi số; kỹ năng xây dựng và tổ chức triển khai Kế hoạch chuyển đổi số xã; kiến thức, kỹ năng sử dụng, khai thác hạ tầng số của cán bộ, công chức; kiến thức, kỹ năng sử dụng và khai thác nền tảng số cho cán bộ, công chức; kiến thức, kỹ năng tạo lập, sử dụng và khai thác dữ liệu số của cán bộ công chức; kiến thức, kỹ năng sử dụng, cung cấp dịch vụ công trực tuyến của cán bộ, công chức; kiến thức, kỹ năng thực hiện các giao dịch điện tử trong cơ quan nhà nước của các cán bộ, công chức; kiến thức, kỹ năng của cán bộ, công chức trong hoạt động phổ cập kỹ năng số cộng đồng; giới thiệu các điển hình về chuyển đổi số trên thế giới và tại Việt Nam.

Khái niệm về thông tin xấu độc trên mạng cùng kỹ năng nhận diện, ứng xử với những thông tin xấu, độc trên mạng là một trong những kiến thức về an toàn thông tin mạng sẽ được tập trung trang bị cho cán bộ, công chức các xã. (Ảnh minh họa: M.Sơn)

Các chuyên đề trang bị kiến thức, kỹ năng đảm bảo an toàn thông tin mạng cho cán bộ, công chức các xã gồm có: Kiến thức tổng quan về an toàn thông tin và các nguy cơ mất an toàn thông tin; kiến thức, kỹ năng bảo đảm an toàn khi sử dụng máy tính và bảo vệ dữ liệu; kiến thức, kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin khi sử dụng thư điện tử và giao dịch trực tuyến; kiến thức, kỹ năng phòng chống mã độc và virus; kiến thức, kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin cho thiết bị di động, thiết bị thông minh; kiến thức, kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin cho thiết bị không dây; kiến thức, kỹ năng nhận diện thông tin xấu, độc trên không gian mạng.

Cách đào tạo, bồi dưỡng mới – trực tuyến qua nền tảng số tiếp tục được Bộ TT&TT áp dụng trong Chương trình bồi dưỡng, tập huấn kiến thức và kỹ năng về chuyển đổi số, đảm bảo an toàn thông tin mạng cho các cán bộ, công chức cấp xã.

Các lớp tập huấn của Chương trình sẽ diễn ra trong thời gian không quá 3 ngày/lớp. Kết thúc quá trình bồi dưỡng tập huấn, cán bộ, công chức các xã được thực hiện bài kiểm tra để đánh giá chất lượng, hiệu quả đạt được sau khóa học, làm cơ sở để xác định mức độ hoàn thành chỉ tiêu.

Cục Chuyển đổi số quốc gia được giao chủ trì, phối hợp với Cục An toàn thông tin và các đơn vị chức năng của Bộ TT&TT, các cơ quan liên quan và chuyên gia tổ chức biên soạn, xây dựng tài liệu, học liệu, bài giảng điện tử, câu hỏi kiểm tra, đánh giá phục vụ bồi dưỡng, tập huấn; thúc đẩy sử dụng nền tảng học trực tuyến mở đại trà.

Các Sở TT&TT có trách nhiệm tham mưu công tác quản lý thực hiện nhiệm vụ tại địa phương phù hợp với điều kiện cụ thể, phân cấp quản lý và chỉ đạo của UBND các tỉnh thành phố, trong đó có việc phối hợp với Cục Chuyển đổi số quốc gia trong tổ chức triển khai Chương trình bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ, công chức các xã.

Liên quan đến việc trang bị kiến thức và kỹ năng nhận diện thông tin xấu độc trên mạng cho người dùng Internet Việt Nam, hồi tháng 12/2022, Bộ TT&TT đã ra mắt “Cẩm nang phòng chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng”. Cuốn cẩm nang này cung cấp những thông tin, kỹ năng cơ bản nhất để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia không gian mạng có kiến thức tổng quan, cần thiết để nhận biết, ứng phó và xử lý có hiệu quả với tình trạng tin giả, tin sai sự thật có xu hướng tăng trên không gian mạng hiện nay.

Thời gian qua, Bộ TT&TT cũng tích cực đấu tranh với các nền tảng xuyên biên giới để ngăn chặn, gỡ bỏ các thông tin xấu độc trên mạng. Cụ thể, trong tháng 8 vừa qua, theo yêu cầu của Bộ TT&TT, Facebook đã chặn, gỡ bỏ hơn 295 bài viết đăng thông tin sai sự thật, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước (đạt tỷ lệ 90%); Google đã gỡ 764 video vi phạm trên YouTube (tỷ lệ 95%); TikTok đã gỡ bỏ 30 link vi phạm, đăng tải thông tin sai sự thật, nội dung tiêu cực (tỷ lệ 92%). Đặc biệt, Google đã gỡ 5 kênh (chứa 18.900 video) chống phá Đảng, Nhà nước có lượt đăng ký và lượt xem rất lớn.

Theo VietnamNet